Đại hội Đế chế Tuyển đế hầu (Kurfürst)

Cách sắp xếp chỗ ngồi tại lễ khánh thành Đại hội Đế quốc trong Toà thị chính Regensburg từ bản khắc năm 1675: Hoàng đế La Mã Thần thánh và các Tuyển đế hầu ngồi phía trước; các thân vương thế tục ở bên trái, thân vương giám mục ở phía phải, đại biểu các thành bang tự do của Đế quốc ngồi xung quanh

Các Tuyển đế hầu cũng giống như các Thân vương cai trị trong Đế quốc La Mã Thần thánh, đều là thành viên của Đại hội Đế chế, được chia thành ba nhóm: Hội đồng Tuyển đế hầu, Hội đồng các Thân vương và Hội đồng các Thành bang. Ngoài là thành viên của Hội đồng Tuyển đế hầu, hầu hết các Tuyển đế hầu còn là thành viên của Hội đồng các Thân vương nhờ sở hữu lãnh thổ hoặc giữ chức vụ trong Giáo hội. Đây là 2 nhóm quyền lực nhất trong Đại hội Đế chế, vì cần có sự đồng ý của cả hai cơ quan này thì các quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cấu trúc của Đế chế mới được thông qua, chẳng hạn như việc thành lập các Tuyển hầu quốc mới hoặc các nhà nước trong Đế chế.

Một số Tuyển đế hầu cai trị nhiều nhà nước trong Đế chế, hoặc nắm giữ một số chức danh giáo hội, vì thế mà họ có nhiều phiếu biểu quyết trong Hội đồng các Thân vương. Năm 1792, Tuyển hầu quốc Brandenburg có 8 phiếu, Tuyển hầu quốc Bayern có 6 phiếu, Tuyển hầu quốc Hannover có 6 phiếu, Vương quốc Bohemia có 3 phiếu, Tuyển hầu quốc Trier có 3 phiếu, Tuyển hầu quốc Cologne có 2 phiếu, Tuyển hầu xứ Mainz có 1 phiếu. Do đó, trong số hàng trăm phiếu biểu quyết của Hội đồng các Thân vương năm 1792, có 29 phiếu thuộc về các Tuyển đế hầu, điều này đã mang lại cho họ nhiều ảnh hưởng trong hội đồng, ngoài ra họ còn sở hữu quyền lực trong nhóm Hội đồng Tuyển đế hầu.

Ngoài việc bỏ phiếu trong các hội đồng, Đại hội Đế chế cũng bỏ phiếu trong các liên minh tôn giáo, điều này được quy định bởi Hòa ước Westphalia. Tổng giám mục của Mainz chủ trì cơ quan Công giáo hay corpus catholicorum, trong khi đó Tuyển đế hầu Sachsen chủ trì cơ quan Tin Lành, hay corpus evangelicorum. Sự phân chia thành các cơ quan tôn giáo là trên cơ sở tôn giáo chính thức của nhà nước, chứ không phải của những người cai trị nó. Vì vậy, mặc dù từ thế kỷ thứ XVIII, các Tuyển đế hầu của Sachsen đã chuyển sang Công giáo, nhưng họ vẫn tiếp tục chủ trì cơ quan Tin Lành.